TIỂU XUYÊN YÊN TỬ (Ogawa Kasumi)
Chiều Thu rơi nhanh trên cố đô Kyoto!
Anh bước từng bước an lạc lên từng bậc tam cấp rêu phong của ngôi đền cổ, dừng lại một chút, chọn góc nhìn để thấy bóng tà dương đỏ rực rơi vào giữa chân Thiên Môn (Torri) của ngôi đền cổ.
"Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" (1)Biểu tượng Thiêng Liêng của xứ Phù Tang là đây! |
Những vần thơ xưa cũ trong Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh Hoài Chân, anh đọc lâu lắm rồi từ thuở mười sáu, bỗng cứ đâu như lá Thu, từng chiêc rơi về, đúng cảnh đúng tình.
Du khách đã thưa thớt, chiều Thu lành lạnh, rừng Thu Phong nhuộm vàng cam đỏ cả sườn đồi, làm nền nổi bật cho mái cong vút tuyệt mỹ của ngôi đền, lung linh trong ánh sáng của thành phố vừa lên đèn xa tit dưới kia! Như đang trở về chốn ngàn năm, anh lâng lâng cảm nhận cái thiêng liêng, xa xưa, và tịch liêu!
"Lòng ta là những hàng thành quách cũ
Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa" (2)
Rồi anh chợt thấy mình lạc bước vào một khu cổ mộ đầy rêu phong, tần ngần một chút với cảm giác hoang lạnh, điều hiu! Một thôi thúc khiến anh cúi xuống tấm mộ bia phủ rêu xanh rì với cột chữ mờ mất nét. Lấy một viên gạch nhỏ, anh cạo nhẹ cột chữ trên bia, rồi dùng cell phone với google translate soi từng chữ:
小川露子 có nghĩa Small, River, Haze, Child, và anh dịch là TIỂU XUYÊN YÊN TỬ, hay TIỂU HÀ YÊN TỬ.
十八六十八十八九十 (1868-1890)
Anh lẩm bẩm: Chào cô TIỂU XUYÊN YÊN TỬ,sinh thời Minh Trị (Meiji), một thời đại huy hoàng. Hà Yên, Sương Khói trên Sông, lẽ nào vì thế mà tan biến đi sớm quá, mới đôi mươi! "Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai" (3) Thở dài, anh nghĩ tiếp: "Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ" (4)
Cả trăm ba mươi năm rồi, chắc là cô đã đầu thai, mà biết đâu chừng lại là một trong những người trong dòng người đông đúc lũ lượt, đi cạnh tôi chiều nay viếng ngôi đền này, có khi đã vừa đứng đây trước ngôi mộ tiền kiếp của mình mà chẳng hay! Thời gian chắc đã đủ lâu cho cô học nhiều điều ở cõi Trung giới, nếu vậy thì, hãy sớm đầu thai đi nhé, kiếp lai sinh chắc sẽ lâu dài tươi đẹp hơn, hôm nay cô gặp tôi rồi đó! Anh cảm thấy rờn rợn với ý nghĩ của mình!
Anh lui cui tìm những viên đá xếp gọn thành một chiếc bình đá nhỏ, và dựng lại ngay ngắn Thiên Môn, chiếc cổng Torri màu đỏ nhỏ nhắn, dựa vào bia mộ. Nhặt vài chiếc lá vàng úa, thơ xưa lại trở về: "Người ơi, chiều nao có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi” (5), anh định cặm lá vàng úa vào bình, rồi lại thôi, thả bay đi.
Nhìn quanh thấy cánh rừng Thu Phong đỏ vàng sắc thắm trên cành, la đà ven bờ, anh chọn hái lấy 22 chiếc lá Thu tươi sắc đỏ vàng, và cặm vào thạch bình mới xếp. Cô còn trẻ quá, là chiếc lá vàng còn trên cành mới phải .
*******
Anh rảo bước xuống đồi, chỉ vài người còn thơ thẩn trong khuôn viên ngôi đền.
“Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều” (6) |
Mẹ con họ đi shopping sáng nay, nên không chọn đi viếng ngôi đền với anh, chắc đang ăn chiều đâu đó, hay đã về khách sạn, và đang trông anh.
Anh đón một chuyến bus, để rồi vài phút sau nhận ra đã nhầm đường.
Một cơn mưa Thu lất phất nhẹ bay, vừa khi anh xuống xe. Anh rảo bước vào con hẻm nhỏ, đứng bên hiên nhà ai, định nhắn tin cho chị, và cũng để tìm đường qua google map.
“Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều” (9)
Con hẻm nhỏ hẹp với những ngôi nhà nhỏ xinh, gỗ mun, mái cong, và dãy đèn lồng đỏ trông cổ kính và yên bình quá, anh thấy như đang trở về chốn của tiền kiếp xa xăm mà quen thuộc lắm! |
Trước hiên nhà đang trú mưa thấy tấm bản旅館, nên anh biết đây là Ryokan, Lữ Quán Cổ Truyền với ẩm thực truyền thống Nhật.
Bụng đói cồn cào, và trời bỗng ào mưa to.
Bên trong có ánh đèn.Anh luôn có cảm giác nao nao ấm cúng khi lang thang trong đêm, nhìn qua cửa sổ đèn mờ nhà ai.Đẩy nhẹ cửa, phải cúi đầu một chút vì bức rèm cửa thấp quá, trông thấy một cô gái trong trang phục cổ truyền sắc tím, chiếc furisode của con gái chưa chồng, cúi chào nhã nhặn, khiến anh lại vội vàng cúi chào theo, đúng cung cách Nhật. |
- Chào mừng ông đến đây, xem kìa, ông đã ướt cả rồi, chắc ông tìm nơi trọ đêm nay, và hẳn ông chưa ăn chi?
- À chào cô, tôi chỉ muốn ăn, vậy có được không?
Nàng chào tiếng Nhật, còn anh trả lời bẳng tiếng Anh, sau khi chào lại bằng tiếng Nhật bằng lời chào mà anh đã học nhanh vài câu đơn giản trước khi du lịch.
- Vậy mời ông ngồi, hãy treo áo khoác của ông nơi kia, em sẽ sấy khô trước khi ông về, và dùng chút trà nóng trong khi chờ em dọn ăn nhé! Nàng nói tiếng Anh chậm rãi rõ ràng, với giọng địa phương, nghe ngộ nghĩnh, dễ thương lắm.
Anh xếp giày lên kệ, bước vào trong, ngồi xếp bằng trên gối trước chiếc bàn thấp có chiếu tatami trãi trên sàn khắp căn phòng, nhìn quanh khi chờ đợi. Căn phòng trang hoàng thật giản dị mà trang nhã.
Nơi góc phòng là Tokonoma, góc trưng bày nghệ thuật thuần Nhật, với tranh thư pháp, bên dưới có chiếc đàn Biwa để trên bàn, cạnh bên lọ hoa Ikebana có bình cắm nhỏ, đơn giản với vài lá mảnh mai và hoa tím vàng.À, lại có một chiếc Koto đàng kia. Căn phòng cho cảm giác rất cổ kính và ấm cúng! |
Nhìn cô gái lui cui dưới bếp, anh nhớ tới chị.
Chị cũng nhỏ nhắn, hiền lành, suốt ngày lui cui dưới bếp, tóc bết mồ hôi, đặt trọn tấm lòng cho từng món ăn, hoặc lom khom chăm chút và còn trò chuyện với cây cỏ ngoài vườn, hồn nhiên như trẻ thơ. Có lần anh ghẹo chị: Em ở đâu mà loanh quanh trong nhà anh, làm anh ngóng theo mỏi cổ quá đó nghen. Chị tỉnh bơ nhạy giọng quê Nam kỳ xưa: Em cũng mỏi cổ vậy, mà anh quởn dữ rồi đó đa!
Anh nhắn tin cho chị anh sẽ ăn chiều, chờ tạnh mưa rồi về khách sạn. Chị đáp lại hai mẹ con cũng đang ăn, chờ hết mưa, rồi còn nói anh đừng có lạc đường luôn đó nghen.
Buổi ăn đơn giản với cá nục nướng không gia vị, canh miso, cơm trắng, bí đỏ hấp, củ cải, trứng luộc, rong biển, và ít trái cây, được bày trí khéo léo mỹ thuật. Anh ăn ngon lành, không chừa chút gì!
Khi nãy nàng bưng khay thức ăn, cúi mời, anh mới có dịp nhìn cô gái thật gần.
Giai nhân tóc bới cao, có gương mặt phúc hậu mịn màng, với đôi mắt dài xếch một mí đen láy, sâu thẳm, đẹp uy nghi với ánh mắt nhìn từ ái. Nhưng lạ lùng thay là đôi môi xinh, màu tím lợt lạt, phải, màu tím tai tái xanh, gây cho anh một cảm giác gì đó hoang lạnh, mông lung, nhạt nhòa! Anh nghĩ thầm, người trẻ thời nay dùng màu sắc tân kỳ táo bạo quá, có điều trông nó có vẻ tương hợp với sắc tím trang phục của cô.
- Ông dùng trà xanh nóng nếu không sợ mất ngủ nhé. Rồi nàng chăm trà, khoan thai, khéo léo.
Anh thưởng thức trà thơm, và nhìn cây đàn Biwa:
- Hẳn cô là chủ nhân chiếc tỳ bà Biwa xinh đẹp kia nhỉ, mong là cô cũng sẵn lòng…?
- Ông không hỏi thì em cũng sẽ vui lòng dạo một khúc, mà cũng để đa tạ ông đó!
Trời vẫn còn mưa, có lẽ vừa đủ lâu để giữ chân ông thêm một lát.
- Tôi mới là người cảm ơn cô rất nhiều, sao lại cảm tạ tôi chứ?
- Ông mau quên nhỉ, à mà chắc ông vừa viếng ngôi đền chiều nay, ông có cảm tưởng thế nào?
- Tôi kính trọng tinh thần của dân tộc của cô, ngưỡng mộ nét kiến trúc, vẻ mỹ lệ thiêng liêng được bảo tồn cả ngàn năm…À mà mời cô cùng uống trà với tôi đi!
Nàng đến ngồi quì đối diện với anh, phong thái đoan trang, tự nhiên.
Anh nói tiếp, giọng hơi chùng xuống:
- Sắc màu quyến rũ của Thu lại càng tăng thêm vẻ kỳ ảo và thanh tịnh, dù rằng có chút gì đó hơi hoang lạnh u buồn khi đứng trước mấy ngôi cổ mộ!
Giọng cô gái nghe u uẩn, xa xôi:
- Ông có đứng trước mộ phần sao?
- Dù không nghĩ chết là hết, tôi vẫn thấy có chút chi bùi ngùi khi đứng trước ngôi mộ của người rất trẻ kia. Cô có nghĩ chết là hết không?
- Đâu có gì dưới mộ ngoài cát bụi, và người kia phải đâu là bộ xương khô dưới mồ? Sự sống vẫn tiếp diễn mãi, chỉ thay đổi hình thái thôi, ông có nghĩ vậy không?
- Xem kìa, cô có phải là cô gái rất trẻ hay không, mà nói chuyện như đạo sĩ già vậy?
Cô gái cười nhẹ, man mác như gió chiều Thu thì thầm cùng rừng Phong:
Hãy nhìn cây Phong trên đồi chiều nay, cây trút hết lá vàng, lá úa tàn, thành cát bụi, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của một kiếp lá chuyển hóa ánh sáng thành nhựa nguyên nuôi cây.Lá rụi tàn, nhưng cây trơ trụi ngủ yên qua mùa đông, vẫn sống, sẽ bừng tỉnh với đợt lá non mới, khi Xuân lại đến, tiếp tục làm cây tăng trưởng thêm qua mỗi mùa. Phải vậy không thưa ông? |
Cô gái có lối nói chuyện dễ mến, khi cô thường kết thúc mỗi câu, mỗi ý riêng của mình bằng một câu hỏi lại, vốn cho thấy nét khiêm cung, và cũng khơi động nên đối thoại hai chìu.
Anh trêu nàng:
- Phải, đúng là vậy rồi, thưa văn sĩ triết gia già nua!
Cô ví Linh Hồn bất tử như cây Phong, và mỗi Kiếp sống như một Đợt Lá. Mỗi Kiếp sống với những bài học mới, từ đau khổ đến hạnh phúc, từ tham lam, sân hận, u mê, gian trá, ích kỷ, kỳ thị chia rẽ, cho đến thiện tâm, lương thiện, bao dung, từ ái, hy sinh, cho ra, phụng sự, và vô kỷ.
Kinh nghiệm và hiểu biết mới tích lũy qua từng kiếp người cho linh hồn để trưởng thành hơn qua từng chu kỳ, của nhiều kiếp, thì cũng ví như ánh sáng được lá cây hấp thụ, chuyển hóa thành năng lượng nuôi dưỡng cây lớn lên qua bao nhiêu mùa Thu…
- Xem kìa, ông mới là đạo gia già nua, không phải em đâu nghen!
- Cô vừa nhắc lại cho tôi bài học Vật lý căn bản về Định luật Bảo Toàn Năng Lượng: Năng Lượng Không Mất Đi, mà chỉ Chuyển Đổi Hình Thái! Tương tự, Sự Sống vẫn tiếp diễn mà không "chết" đi…Vậy cô tin vào Tái Sinh?
- À, em chỉ xem đó là một giả thuyết hữu lý có thể chấp nhận được, bởi vì có khả năng giải thích bao hàm hơn những gì đã biết.
Theo đó thì có lẽ, Linh Hồn cần phải Tái Sinh rất nhiều Kiếp để học hỏi…
Anh ngắt lời:
- Tôi nghe nói cả vô lượng kiếp, sao phải nhiều vậy, chưa tròn một kiếp mà có khi đã thấy ngán hay chán quá rồi phải không?
Nàng cười nhẹ:
- Ông không có ý đang ngán chán trò chuyện với em đó chứ?
Thử nghĩ xem, chỉ một tính nóng giận thôi, mà cả đời người cũng khó học để tự chủ được, thì có lý nào, với những rung động nặng trược của Tham Sân Si như vậy, mà chỉ cần một kiếp đã thành Phật, toàn tri, trọn lành, để bươc vào cõi Thiên Đàng, hay cõi Trời toàn Chân, trọn Thiện, hoàn Mỹ, vốn có lẽ là nơi chỉ tương ứng tương cầu với những rung động thanh cao tế vi?
- À, thật thú vị khi nghe cô có lẽ đang đề cập đến nguyên lý Đồng Thanh Tương Ứng Đồng Khí Tương Cầu?
Nàng reo lên: Dạ phải, có vẻ hai chúng ta cũng đang đồng thanh tương ứng đó ạ!
*******
"Ngoài hiên giọt mưa Thu thánh thót rơi" (10) đã nhẹ hạt rồi!
Chị vừa nhắn hai mẹ con ăn xong, chờ mưa dứt. Anh cũng đáp lại vừa ăn xong, rồi sẽ về.
Anh hỏi xin nàng hóa đơn. Cô gái dọn dẹp bàn, đem hóa đơn. Anh lục ví, nhưng khi nhìn thấy hóa đơn chỉ ¥22, cho bửa ăn khoảng cả trăm lần hơn, anh ngạc nhiên, chắc viết thiếu hai con số, rồi để ¥3000 vào khay hóa đơn, người Nhật không trao và nhận tiền trực tiếp từ tay.
- Ô, hẳn là cô viết thiếu rồi…
Nàng cười hiền: Em tính đúng thời giá đó mà!
Thấy anh vẫn bối rối với ví trên tay, cô mỉm cười đưa anh lại ¥3000, chỉ vào mấy đồng xu lẻ trong ví, vừa nói "cái này nè" rồi thản nhiên nhặt lấy luôn ¥22 tiền xu.
Mà con số 22 sao anh thấy quen quen chi đó!
Vẫn áy náy, anh gượng đùa:
- Vẫn còn nhớ buổi ăn này tôi ăn 130 năm trước tại đây cũng có giá nhiều hơn hóa đơn này nữa là. Cô dùng thời giá của thời Minh Trị chăng?
- Xem ông đó, khách nhân nào lại muốn tính thay chủ nhân? Kìa, mưa sắp tạnh, người thân đang chờ đợi ông.
Em không thể cầm chân ông lâu hơn một khúc nhạc. Ông vẫn còn muốn nghe em đàn phải không?
|
- Hay quá, Câu Chuyện Dòng Sông Nhỏ, tôi cũng sẽ thưởng thức với trọn vẹn tâm trí, mà phải chi tôi hiểu được tiếng của cô nhỉ!
Cô gái vẫn nụ cười hiền lành, có chút mông lung:
- Ông sẽ cảm nhận được mà!
Chắc ông cũng từng nghe Minh Triết Ngàn Đời nói rằng: vốn không có hàng rào ngôn ngữ trong thế giới của Ý Tưởng. Mỗi tư tưởng, mỗi âm thanh đều có dấu ấn riêng với làn rung động, tần số, năng lực riêng, hình dáng và cả màu sắc rất đặc thù, có thể trực nhận được như là “universal language” khi ta để tâm tĩnh lặng, trí tỉnh thức, không tạp niệm, ở mức độ nào đó!
- Xem đó, cô gái nhỏ bây giờ chính là một Huyền Bí Gia! Xin mời Huyền Bí Gia Nghệ Sĩ với khúc nhạc Câu Chuyện Dòng Sông Nhỏ!
Nàng ngồi yên một chút, rồi dạo đàn và cất tiếng hát. Cảm giác bình an tràn ngập căn phòng.
Lời thơ xưa từ thuở nào lại rơi rụng về trong trí anh, mà chắc chỉ diễn tả phần nào bầu không khí lúc này:
“Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền
Êm như hơi gió thoảng cung tiên
Cao như thông vút buồn như liễu
Nước lặng mây ngừng ta đứng yên” (11)
Anh thấy cả Dòng Sông Nhỏ trôi dài lượn lờ trước mắt, lúc êm đềm, khi đầy sóng gió:
Câu chuyện Dòng Sông NhỏPhát nguyên từ Núi Cao xanh, |
Ánh trăng Thu xuyên mành trúc, nhuộm màu trên nửa gương mặt diễm lệ, trôi dài xuống vạt áo của người nghệ sĩ trong khúc Tì Bà Hành. Cuốn theo vầng thơ xưa cũng trôi theo về:
“Long lanh tiếng nguyệt cầm, tiếng đàn trầm
Ai nhớ nương tử một đêm nao trăng thanh
Trong lời hát chết theo nước xanh” (12)
Anh vỗ tay kể cho cô gái nghe anh đã cảm nhận thế nào. Nàng mỉm cười hân hoan, treo đàn.
- Cảm tạ ông đã lắng nghe và cảm nhận trọn vẹn khúc nhạc.
Mưa vừa tạnh rồi, hẳn ông đang nóng lòng về, để em lấy áo khoác đã hong khô cho ông nhé!
Cô gái rất tự nhiên khoác chiếc áo ướt mưa hồi nãy, đã hong khô ấm áp, lên vai anh, rồi bước vòng ra đối diện thật gần, chăm chú cài chiẽc nút áo trên cao nhất cho anh.
Một nửa gương mặt cô gái vẫn tình cờ nhuộm đẫm ánh trăng xuyên mành. Và kìa, lạ chưa, một nửa đôi môi về phía ánh trăng, anh ánh sắc hồng, khi nửa kia vẫn tim tím nhạt nhòa.
Anh đứng yên ngoan như tượng gỗ, một chút bối rối: Tên cô là gì nhỉ?
- Ô, em thật vô phép quên tự giới thiệu!
Rồi nàng đứng nhích qua một chút, chỉ vào hàng chữ chạm trỗ trên chiếc cột:
- Đây tên em, cũng là tên lữ quán này!
Anh lẩm bẩm đọc: 小川霞子
Trời! Đó không phải là tên trên mộ bia người con gái 22 tuổi thời Minh Trị, anh đứng trước mộ phần chiều nay sao? Tiểu Xuyên Yên Tử, hay Tiểu Hà Yên, Sương Khói trên Dòng Sông Nhỏ!
Anh bàng hoàng, lạnh gáy, hoa mắt, loạng choạng vịn vào cột nhà có khắc tên nàng!
Cô gái hốt hoảng, đỡ lấy tay anh: Ô kìa, ông sao vậy?
Chắc chỉ là trùng hợp, anh tự trấn tỉnh, định gỡ tay nàng ra, nhưng lại thôi, anh nhìn nàng, thật gần lúc bấy giờ: Gương mặt kia thuần khiết hiền lành, cặp mắt này âu lo, sâu thăm thẳm, ánh mắt nhìn anh như ánh trăng dò lòng biển tối đen.
Anh chợt thấy lòng bình yên, dịu êm:
- Chắc tại vì Câu Chuyện Dòng Sông Nhỏ có dư âm mạnh quá, tôi không sao!
Đã đến lúc phải kiếu từ rồi nhỉ! Tiếc rằng chưa được nghe đàn Koto lần nào!
Cảm ơn em, à, cảm tạ Tiểu Hà Yên rất nhiều, cảm ơn Omotenashi, lòng hiếu khách vui tươi và ấm áp lắm, buổi ăn chiều thật ngon, những chuyện trò vui vẻ, khúc nhạc mê hồn với Chuyện Dòng Sông giàu ngụ ý và biểu tượng! Dòng Sông Nhỏ hãy an vui ra Biển Cả bao la nhé!
- Đa tạ, cảm ơn ông đã đến với em ở mọi nơi, vào mọi thời, cầu chúc ông mọi điều tốt lành!
Gương mặt và ánh mắt hân hoan, nàng vẫn dịu dàng, điềm đạm, dù có chút mơ hồ trong lời từ biệt kia!
Cô gái và anh cúi chào nhau, đúng kiểu Nhật!
Anh bước ra, không biết nàng có đứng trông theo không, đi vài bước định quay lại nhìn, nhưng chợt nhớ chuyện tích xưa rằng, hãy cứ bươc tới, quay lại sẽ hóa thành đá, và nghĩ thầm mình lại ngớ ngẩn quá!
Rồi anh biết chắc nàng không đứng nhìn theo, vì văng vẳng phía sau là tiếng hát hòa theo cung đàn, không phải Tỳ Bà, mà là Koto, trong giai điệu lưu thủy réo rắc đầy hân hoan, như sông kia ra đến biển lớn!
Văng vẳng nghe hai câu cuối, mà anh không biết tại sao mình lại có thể hiểu thứ tiếng chưa học bao giờ:
“Tái sinh bất phùng thời. Tao ngộ viên thành mộng”
Nửa vầng trăng Thu đỏ rực chân trời, gió nhẹ se sắt lạnh!
Sương đã tan rồi trên Dòng Sông Nhỏ đang êm trôi đến Biển Cả trong ngày Hội Trùng Dương!
*******
Anh giật mình tỉnh giấc! Chị nằm bên cạnh say giấc nồng, thở đều, ấm áp, hiền lành!
Anh vén màn cửa sổ khách sạn, từ tầng 7 trông xuống dòng sông Kawa, nơi hai dòng sông Kamo và Takano hợp lưu, đang êm ả trôi, soi bóng hàng cây ven bờ, soi nguyên hình nửa vầng trăng Thu vằng vặc trong khói sương mai vừa bắt đầu tan nơi trời Đông ửng hồng!
Anh lẩm bẩm: chỉ là giấc mơ qua! Tạm biệt Tiểu Xuyên!
HỒNG MỘC
Thu 2023, Seattle WA
Ghi Chú
1) "Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" (Thăng Long Hoài Cổ, Huyện Thanh Quan)
2) "Lòng ta là nhứng hàng thành quách cũ
Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa" (Vũ Đình Liên)
3) "Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai" (Hoàng Hạc lâu, Thôi Hiệu, Tản Đà)
4) "Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ" (Ông Đồ Già, Vũ Đình Liên)
5) "Người ơi, chiều nao có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi” (Hương Xưa, Cung Tiến)
6) “Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều” (Chiều, Xuân Diệu)
7) "Gió thầm mây lặng dáng thu xa
Mới tạnh mưa trưa chiều đã tà" (Thu, Xuân Diệu)
8) “Rừng Phong, Thu đã nhuộm màu quan san” (Kiều, Nguyễn Du)
9) “Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều” (Thơ Duyên, Xuân Diệu)
10) "Ngoài hiên giọt mưa Thu thánh thót rơi" (Giọt Mưa Thu, Đặng Thế Phong)
11) “Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền
Êm như hơi gió thoảng cung tiên
Cao như thông vút buồn như liễu
Nước lặng mây ngừng ta đứng yên” (Tiếng Gọi bên Sông, Thế Lữ)
12) “Long lanh tiếng nguyệt cầm, tiếng đàn trầm
Ai nhớ nương tử một đêm nao trăng thanh
Trong lời hát chết theo nước xanh” (Nguyệt Cầm, Cung Tiến)
******